Lượt xem: 400

Các dự án điện gió khẩn trương hòa lưới dù ảnh hưởng bởi COVID-19

Tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp cùng với giá vật tư xây dựng tăng đã ảnh hưởng không ít đến các dự án điện gió đang khẩn trương thi công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên với sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu và cán bộ, công nhân viên tại các nhà máy điện gió mà hiện nay tiến độ được đảm bảo như kế hoạch đề ra. Bởi tất cả đang chạy đua ngoài thực hiện cam kết với tỉnh thì còn tăng tốc về đích để hưởng giá điện theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ khi dự án nối lưới.

 


Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu (thứ hai từ phải sang) trong chuyến kiểm tra tiến độ tại các dự án điện gió.

 

    Giá bán điện đối với các dự án điện gió nối lưới nằm trong đất liền có giá là 1.928 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscents/kWh. Giá bán điện đối với các dự án điện gió nối lưới trên biển có giá 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscents/kWh. Để hưởng giá bán điện này kéo dài trong 20 năm theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ thì các dự án điện gió phải có một phần hoặc toàn bộ nhà máy đưa vào vận hành thương mại trước ngày 01-11-2021.

    Toàn tỉnh hiện có 9 dự án điện gió đang triển khai thi công với tổng công suất 262,4 MW. Khẩn trương hoàn thành để dự án sớm hòa lưới hưởng giá bán điện như trên buộc các dự án phải tăng tốc trong giai đoạn hiện nay. Thi công cả ngày lẫn đêm, huy động tất cả máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác lắp đặt các tuabin. Theo chia sẻ từ một số dự án, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc huy động công nhân cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên lo lắng lớn nhất của chủ đầu tư lúc này là khi hoàn thành công tác lắp đặt thì cần các chuyên gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến công trường nghiệm thu nhưng hiện các chuyên gia này đang làm việc tại các tỉnh có dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội khi vào tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy mà vừa qua các chủ đầu tư cũng đã có kiến nghị với tỉnh để đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành dự án.

    Ông Phạm Văn Hiếu - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Vĩnh Châu – TDC: “Do COVID-19 nên những cán bộ, công nhân viên của toàn dự án không di chuyển ra bên ngoài. Hiện nay khó khăn nhất của dự án là đang xin ý kiến đơn vị EVN Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội vào dự án nghiệm thu phần trạm cũng như đấu nối của trạm. Về nguồn vật tư chủ đầu tư cũng cố gắng huy động toàn bộ nguồn lực từ các địa phương khác về để phục vụ cho dự án. Về năng lực, thì chủ đầu tư khẳng định là dự án sẽ về đúng đích”.

    Bốn nhà máy điện gió hiện đang thi công sôi nổi nhất và chạy nước rút hiện nay là nhà máy điện gió số 1, số 5, số 6 và số 7 đều đang trong giai đoạn lắp đặt tuabin. Trong đó phần lớn sẽ đưa vào vận hành từng phần. Như nhà máy điện gió số 5 sẽ vận hành thử nghiệm 3 tổ máy đầu tiên vào cuối tháng 8,  3 tổ máy còn lại sẽ vận hành vào giữa tháng 9. Nhà máy số 7 với 7 tuabin nằm ngoài khơi sẽ nghiệm thu vận hành chia làm 2 đợt vào ngày 5-9 và ngày 30-9.  Ông Nguyễn Bá Tiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Sóc Trăng cho biết: “Dịch thì không chỉ ảnh hưởng riêng đến công trình chúng tôi mà của tất cả công trình. Tuy nhiên có sự chuẩn bị của ban lãnh đạo công ty và tập đoàn, toàn bộ cán bộ, công nhân viên cũng như nhà thầu không đi về vùng dịch và ở tại công trình như đúng sự chỉ đạo của tỉnh”.

    Với tiến độ hiện nay, dự kiến nhà máy điện gió số 6 sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm sớm nhất gồm 3 tuabin đầu tiên trong tháng 7, còn lại 3 tuabin sẽ đưa vào vận hành thương mại vào cuối tháng 8. Hoạt động xuất, nhập khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh trong khi các trang thiết bị đều phải nhập khẩu từ nước ngoài nên trong quá trình về đến cảng nước ta và di chuyển đến công trường là cả một vấn đề. Cùng với đó, đội ngũ kỹ sư, các chuyên gia điện gió đều đến từ nước ngoài, dịch bệnh phức tạp hoạt động xuất nhập cảnh gặp nhiều trở ngại, một số dự án phải tiến hành các buổi làm việc trực tuyến. Ngoài ra giá vật tư xây dựng tăng cũng đã tác động đến các dự án đang thi công.


Tuabin ngoài khơi của Dự án điện gió số 7 – xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu

 

    Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Tôi đánh giá rất cao quyết tâm của các nhà đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ và các công trình hạng mục không bị gián đoạn trong tình hình COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó, tỉnh và các nhà đầu tư cũng quyết tâm đồng hành với nhau để đẩy nhanh tiến độ các dự án địa bàn tỉnh theo cam kết”.

    Với tiến độ này thì thời gian những trụ tuabin gió trên địa bàn tỉnh bắt đầu hòa lưới sẽ không còn xa. Sau khi đưa vào vận hành thương mại, một năm 1 MW mà công suất từ các dự án điện gió mang lại sẽ đóng góp cho ngân sách của tỉnh khoảng 550 triệu đồng từ thuế VAT. Theo quy hoạch, tổng công suất điện gió toàn tỉnh đã được phê duyệt lên đến 1.435 MW, năng lượng điện gió được kỳ vọng sẽ góp phần “đổi đời” cho ngành công nghiệp của tỉnh trong những năm tới./.

Kim Sang

 



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 8331
  • Trong tuần: 79,038
  • Tất cả: 11,802,358